Với một vị trí đã vừa vặn, ở độ tuổi lẽ ra là chín nhất và thật nhiều kinh nghiệm – chính xác là thấm đòn trước cuộc đời, tin rằng, Hải sẵn sàng đón nhận các thử thách tiếp theo…
Gửi lời đến Hải, từ một người đã dõi theo cậu nhiều năm, từng có cơ hội quý báu đóng góp nhỏ cho kênh thông tin của cậu, rằng chuyện buồn đó cuối cùng cũng tạm gác lại rồi.
Ngày cậu ứa nước mắt trên băng dự bị, muốn bảo vệ màu cờ mà không được vào sân, người thương khôn xiết, kẻ ác miệng lại bảo cậu diễn, góp tí múa may bẻ ghế HLV. Họ bảo những người hùng như cậu là “đủ đầy rồi”. Họ ngồi ngoài phán xét và so sánh với nhiệt huyết tuổi trẻ. Nỗi đau vỡ mộng châu Âu chưa nguôi, cậu bị nghi ngờ thêm về phong độ và thể lực. Nhưng tối qua là câu trả lời rồi đúng không? Phản công lại một cách lịch sự, chân thành, trước tất cả bất công trái chiều.
Chưa bao giờ cậu quay lưng với khát vọng, vì màu áo này. Băng đội trưởng trên tay, cậu đã và còn cống hiến nhiều điều cho ngôi sao trên ngực.
1. Từ sâu đáy mắt trong veo, mới toanh, tròn xoe như bi ve, với khoảng cách là từ khán đài nhìn xuống, không biết em bé Lido có kịp lưu giữ khoảnh khắc huy hoàng của ba hay không. Trong lần đầu con trai ra sân, Hải dành tặng món quà tuyệt vời nhất.
Hai cú sút hướng về khung thành Cahya Supriadi ở phút 77 trên sân Việt Trì, một như mũi tên uy lực làm rạn nứt thành lũy Indonesia (nã dội xà ngang); một như cánh diều dệt giấc mơ đầu đời cho Nguyễn Quang Minh (là đà hiểm hóc).
Nhưng như Hải khẳng định sau trận, món quà ấy còn dành tặng cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Giữa thế trận giằng co, kín kẽ, quyết liệt, đội trưởng đã kết tinh những cố gắng và ý chí của anh em (như nỗ lực tranh cướp và che bóng của Nguyễn Tiến Linh sau khi nó bật ra từ xà ngang) để tạo nên khoảnh khắc thăng hoa, mang về chiến quả.
Không chỉ là 3 điểm tuyệt đối giúp chúng ta vững ngôi đầu và có đà tốt hơn cho hành trình phía trước, mà còn là nhát cắt quan trọng trong lịch sử đối đầu Indonesia. Năm 2024 chứng kiến lần đầu tiên ĐT Việt Nam thua 3 trận liên tiếp trước những chiến binh Garuda. Nhờ công cựu HLV Philippe Troussier, di sản bất bại nhiều năm trước Indo của thầy Park Hang-seo đổ sập. Chúng ta đã bước vào trận đấu này với quyết tâm rất lớn (lời HLV Kim Sang-sik) nhưng cũng không kém phần e dè, lo lắng. Thực tế ngay trước thời điểm Hải ghi bàn, Indo có hai cơ hội liên tiếp từ những pha phản công nguy hiểm.
2. Đây không phải lần đầu Quang Hải khiến Indo chết lặng bằng đòn sút xa. Anh từng ghi một trong những bàn đẹp nhất sự nghiệp vào chính lưới đối thủ này, nơi đấu trường thượng hạng vòng loại World Cup 2022. Cú sút đó không căng như quả dội xà tối qua, nhưng đủ sắc và liệng để làm tung lưới từ khoảng cách còn xa hơn.
Xét thêm cả cú sút bồi, chìm và hiểm, có thể khẳng định xạ thủ này rành cách nương cung, biết khi nào cần miết lấy mũi tên; và lúc căng, lúc lỏng tay đầy tính toán. Miễn là sát thương ở mức cao nhất.
“Đọc tình huống, chớp thời cơ và trừng phạt lợi hại”, là gạch đầu dòng được in đậm trong tập hồ sơ mời chào các đội bóng nước ngoài của ekip hỗ trợ Quang Hải vài năm trước. Không nghi ngờ gì, sự nhạy cảm đã được tôi luyện ấy là vũ khí đủ sức tạo khác biệt giữa thế trận chặt chẽ. Độc chiêu đấu với độc chiêu: Tay ném biên quái dị Pratama Arhan từng làm nên chuyện trước Nhật Bản, đã thua trong màn giao đấu trực tiếp với sức sáng tạo và kỹ thuật của Quang Hải.
Không chỉ bàn thắng, cầu thủ xuất sắc nhất trận và được SofaScore chấm 8.0 điểm, còn mang đến màn trình diễn đầy tổng thể đầy hiệu quả: Trong trọn vẹn 90 phút có mặt, anh chạm bóng 79 lần, chuyền chính xác 93% (55/59 đường chuyền), tung 2 đường chuyền mở ra cơ hội, góp 8 đường căng ngang (4 tìm được đồng đội) và tung 3 cú sút (1 thành bàn, 1 trúng đích và 1 chạm xà ngang).
Tình huống bị phạm lỗi ác ý trong hiệp một là tiêu biểu cho việc Quang Hải được người Indo chăm sóc kỹ thế nào. Trong bối cảnh luôn bị để ý, cảm quan và khả năng đánh chiếm không gian trong cả hai tình huống sút xa và sút bồi của Hải cũng là điều đáng nói. “Sự sáng tạo, nhãn quan chiến thuật và kỹ thuật của Quang Hải luôn mang lại sự khác biệt”, tờ Viva của Indo cảnh báo từ trước trận.
Nhận định đó được đưa ra sau trận đấu với Lào, nơi Hải chỉ mất 3 phút sau khi vào sân thay người để kiến tạo cho Nguyễn Văn Toàn, trước khi có pha dọn cỗ khác cho Tiến Linh lập công.
Pha chọc khe cho Toàn thoát xuống là tình huống nhìn đơn giản nhưng mang tính cảm giác rất cao. Khi trước mặt là hai cầu thủ phòng ngự còn đồng đội mình thì đang chạy, việc tỉa quả bóng cho khớp nhịp là không hề đơn giản. Đó là lời khẳng định đầu tiên của Hải ở giải đấu này, rằng anh sẵn sàng mang những nét đẹp trở lại: Những pha chơi bóng vừa độc đáo về ý tưởng, vừa chính xác về cách thức thực hiện và quan trọng nhất là hiệu quả.
Nhưng câu hỏi sẽ là, liệu Hải có giữ được sự tuyệt vời đó nơi hành trình sắp tới? Bởi thực tế, chính vì những nét đẹp đó vắng bóng nhiều trong hai năm qua, người ta mới nghi ngờ và nâng lên đặt xuống giữa Hải và Nguyễn Hoàng Đức.
3. Đây cũng không phải lần đầu Hải mang băng đội trưởng, dẫn đầu đoàn quân Việt Nam từ đường hầm. Trải nghiệm đầu tiên là trước chính Indonesia ở vòng bảng Asian Cup năm nay. Khi đó ông Troussier có trao niềm tin, nhưng sắp xếp không phù hợp về lối chơi, các vai trò và mang lại kỷ niệm buồn.
Trong giai đoạn khó khăn của sự nghiệp, công bằng mà nói, có lúc Hải đánh mất sự tin tưởng của nhiều chuyên gia. Đơn cử sau thất bại 1-2 trước Thái Lan trong loạt FIFA Days tháng 9, HLV Phạm Minh Đức đặt ra thực tế, Hải không còn đủ thể lực để thực hiện những pha cầm bóng, đi bóng tự tin như trước.
Các con số lạnh lùng chỉ ra, thành tích của Hải đi xuống dần trong 3 kỳ AFF Cup từng tham dự: Từ vị thế ghi 3, kiến tạo 2 bàn ở AFF Cup 2018; ghi 2, kiến tạo 2 bàn ở AFF Cup 2020, Hải chỉ có duy nhất 1 kiến tạo ở AFF Cup 2022 – dù cần lưu ý anh bị ảnh hưởng bởi chấn thương, cũng như bị kéo lùi sâu hơn để làm nhiệm vụ điều phối ở giải đấu đó.
Thế nhưng, những ai cổ vũ quan điểm người hùng Thường Châu đã đủ đầy, không cần thiết phải phấn đấu và đầu hàng trước trắc trở, đều đã nhầm. Từng có cơ hội đại diện Việt Nam chinh phục giấc mơ châu Âu thì lập tức lên đường; đến khi thất thế thì vẫn là đầu tàu của một CLB nhắm đến đấu trường khu vực và châu lục (Hải cũng từng chia sẻ về ước vô một lần vô địch AFC Cup cùng một CLB Việt Nam vào dịp Tết 2019). Vậy nên ai thiếu khát vọng không biết, ngọn lửa nhiệt huyết chưa từng thôi cháy trong mắt tiền vệ này.
“Đã cố gắng đến giờ này chẳng lẽ nhìn đời tan vỡ thế này?/
Giông tố sẽ phải đi qua cuốn theo những ngày than thở/
Chuyện quá khứ chẳng thể đổi thay/ Và ngày mai sẽ tới/
Viết nên thêm câu chuyện mới/
Để không lãng phí tháng năm từng bước qua buồn đau” (Hy vọng – DABLO, Lower)
Ai dám chắc một người được xem là thành công trong sự nghiệp như Quang Hải không có những nỗi đau? Và sao có thể nói cứng được, giấc mơ tan vỡ của một người say mê và có tham vọng mở đường cho bóng đá nước nhà sang miền mộng địa, là nhẹ nhàng hơn những lo toan vật chất hay nỗi đau thể xác?
4. Và như một đánh đổi xứng đáng – những ngày tháng chật vật lấy đi nhiều giấc mơ, nhưng góp phần hun đúc một khả năng nay đã chín muồi của Hải: vai trò thủ lĩnh.
“Khi Quang Hải bước vào trong trận gặp Lào, cậu ấy liên lạc với đồng đội rất nhiều, đá bóng rất nhanh, rất đơn giản nhưng khiến đối phương bị rối. Hiện tại, Quang Hải là người có khả năng kết nối rất tốt, và sẽ là người làm nhiệm vụ đó trong những trận đấu tiếp theo. Đấy mới là thứ quan trọng với ĐT Việt Nam vào lúc này, trong bối cảnh chúng ta có sự giao thoa một cách công bằng thực sự giữa những cầu thủ kinh nghiệm và cầu thủ trẻ; giữa những người chưa bao giờ khoác áo ĐTQG như Nguyễn Xuân Son và những người đã có quá nhiều kinh nghiệm trong màu áo này. Cần phải có một người như Quang Hải ở trên sân thì chúng ta mới đá tốt được”, BLV Hoàng Anh Quân nhận định.
Sau những thử nghiệm và đúc rút, dường như HLV Kim cũng đã tìm ra công thức kết hợp Hoàng Đức và Quang Hải, với việc tiền vệ của Ninh Bình lùi hơn một chút và hỗ trợ Hải áp sát cầu môn hơn, ở ngay sau hai tiền đạo. Đó cũng là sứ mệnh mà anh từng được HLV Kiatisuk Senamuang, Gong Oh-kyun hay Mano Polking đặt niềm tin, và nhiều lần đền đáp.
Với một vị trí đã vừa vặn, ở độ tuổi lẽ ra là chín nhất và thật nhiều kinh nghiệm – chính xác là thấm đòn trước cuộc đời, tin rằng, Hải sẵn sàng đón nhận các thử thách tiếp theo: Dù là giữ vững phong độ, kết nối đồng đội hay ghi bàn/kiến tạo ở vòng knock-out sau hai kỳ AFF Cup gần nhất không làm được…
Đặt một ngôi sao hy vọng, vì Hải vừa chứng minh đấy thôi – chứng minh ông Troussier đã sai ở quyết định thay người cuối cùng, trong lần cuối cùng Phù thủy Trắng dẫn dắt ĐT Việt Nam.